Doanh nghiệp nhựa thua lỗ, nguy cơ phá sản nếu tăng thuế nhập khẩu hạt nhựa

Mới đây, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi văn bản "cầu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét hỗ trợ nhiều vấn đề của ngành nhựa. Chủ tịch VPA cho biết, hiện ngành nhựa có gần 3.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.

 

Song thực tế hiện nay do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành nằm trong khu phong tỏa rơi vào cảnh điêu đứng như hoạt động sản xuất chỉ đạt 30%, có cố gắng cũng chỉ 50% và bị ảnh hưởng đến doanh thu, dòng tiền.

 

Chia sẻ với nhà đầu tư hôm 16/8, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) cho biết, sản lượng bán hàng trong tháng 7 đạt 5.213 tấn, giảm 44%. Doanh thu tháng 7 của BMP đã giảm 39% so với cùng kỳ xuống 244 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết, khoảng nửa đầu tháng 7, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất của đơn vị duy trì mức bình thường. Nhưng từ sau tháng 7, hoạt động kinh doanh của công ty suy giảm nghiêm trọng khi các biện pháp giãn cách áp dụng mạnh hơn.

 

Trong tháng 7, BMP đã lỗ khoảng 3,7 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên công ty báo lỗ khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh (cao hơn khoảng 15 - 24% so với cùng kỳ năm 2020).

 

Lãnh đạo Nhựa Bình Minh cũng chia sẻ tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi sản lượng tiêu thụ khoảng 1.400 tấn, doanh thu 70 - 75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400 - 500 tỷ đồng mỗi tháng của công ty.

 

Các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và BMP nói riêng bên cạnh đang phải chịu tác động nặng nề vì COVID-19 thì còn có thể phải đối mặt với thuế nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa Polypropylen (PP) từ mức hiện tại 3% lên 6% và 6,5%, theo đề xuất của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam.

 

Báo Công Thương dẫn lời của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), dưới tác động của đại dịch đang hoành hành tại thời điểm này, thì việc tăng thuế sẽ hạ gục toàn bộ ngành sản xuất bao bì nhựa Việt Nam nói riêng và ngành nhựa Việt Nam nói chung.

 

Đồng thời, việc tăng thuế giai đoạn này sẽ khiến hàng ngoại có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam hơn, giảm số thu ngân sách, nguy cơ doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu PP phá sản, người lao động mất việc,...

 

Trước thực trạng nói trên, VPA đã đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như hỗ trợ giãn nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; giảm tiếp 2% - 3% lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.

 

Đồng thời, VPA cũng đề xuất giảm thuế đất hằng năm phải nộp của năm 2021; cho doanh nghiệp lùi thời gian đóng các khoản thuế, bác hiểm xã hội trong 6 tháng tới để giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền cho sản xuất kinh doanh.

 

Về phương án "3 tại chỗ", các doanh nghiệp thuộc VPA kiến nghị không tiếp tục duy trì áp dụng. Lý do là chi phí để tổ chức sản xuất theo hình thức này tăng cao, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp có số lượng lao động lớn sẽ không có đủ năng lực tài chính để thực hiện...

 

Đáng chú ý, VPA đã kiến nghị chính phủ thanh kiểm tra, can thiệp kịp thời để các hãng tàu không lũng đoạn về giá và phí như trong thời gian hơn một năm qua.

 

Hiệp hội cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị không tăng mức thuế nhập khẩu đối với hai mã HS 3902.10 và 3902.30 thuộc nhóm hạt nhựa PP từ mức hiện tại 3% lên 6% và 6,5%.

 

Theo đại diện VPA, nếu mức thuế vẫn được ở mức 3%, thì giá thành đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ được giữ nguyên, bớt gánh nặng cho doah nghiệp nhựa, nhất là ngành này đang đối mặt với loạt khó khăn của dịch COVID-19 mang lại.

Theo vpas.vn

 

Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo NTA Facebook NTA Youtube NTA